Cảm xúc là một khái niệm khá mơ hồ nhưng lại có những tác động rất cụ thể trong đời sống cũng như hiệu quả, hiệu suất công việc trong một tổ chức. Cảm xúc có thể thúc đẩy hoặc ngược lại làm mất đi động lực làm việc. Bởi vậy, một nhà quản lý giỏi không chỉ cần nhận diện, kiểm soát và điều hướng cảm xúc của cá nhân mình mà còn bao gồm cả cảm xúc của những người xung quanh. Đây chính là thông điệp được Giảng viên Đào Thị Thu Giang chia sẻ trong buổi học này.
Mở đầu buổi học, các học viên được cùng nhau tìm hiểu và phân biệt rõ 3 khái niệm dễ nhầm lẫn: cảm xúc, cảm giác và tâm trạng. “Cảm xúc” là phản ứng, là sự rung động của con người trước tác động của yếu tố ngoại cảnh. Theo nghiên cứu khoa học, phản ứng này chỉ diễn ra khoảng 6 giây. Trong khi đó “cảm giác” lại là một trạng thái tình cảm được tạo ra từ một cảm xúc, tuy nhiên nó xảy ra một cách có ý thức hơn vì mọi người có thể chọn tiếp tục duy trì, kéo dài cảm xúc đó hay không!
Việc phân biệt các khái niệm và gọi tên được các biểu hiện cảm xúc là một trong những cách để giúp các học viên nhận diện cảm xúc của chính mình và của những người xung quanh. Từ đó, mỗi người có cho mình một thái độ và hành vi ứng xử phù hợp.
Bên cạnh đó, các học viên còn được tiếp cận một khái niệm mới về năng lực quản lý cảm xúc, đó là chỉ số EI. EI là viết tắt của Trí tuệ xúc cảm (emotional intelligence), thường dùng dưới hàm nghĩa nói về chỉ số cảm xúc (emotional intelligence quotient – EQ) của mỗi cá nhân. Chỉ số này mô tả khả năng, năng lực, kỹ năng hay khả năng tự nhận thức để xác định, đánh giá và điều tiết cảm xúc của chính mỗi người, của người khác, của các nhóm cảm xúc.
Buổi học không chỉ là buổi truyền đạt kiến thức giàu tính chuyên môn mà còn là những tâm sự, những chia sẻ trải nghiệm quý báu của chính giảng viên Đào Thị Thu Giang.
Đặc biệt, lớp học cũng diễn ra cực kỳ sôi nổi và hào hứng bởi những trao đổi, thảo luận thẳng thắn, chân thành của các học viên.
Kỹ năng quản lý cảm xúc của người lãnh đạo không phải tự nhiên mà hình thành. Không có nhà lãnh đạo tự nhiên đã có được kỹ năng quản lý cảm xúc tốt. Mọi thành quả đều cần có sự tích lũy, rèn luyện trong nhiều năm liền. Chúc cho các CBQL của Alphanam luôn sáng suốt, làm chủ cảm xúc của mình và khơi gợi được những cảm xúc tích cực cho nhân viên.